Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Để nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP, trong thực hiện cần tuân thủ và đảm bảo chất lượng các bước theo chu trình bao gồm: (1) Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; (2) Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; (3) Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (4) Triển khai phương án, dự án sản xuất kinh doanh; (5) Đánh giá và phân hạng sản phẩm; (6) Xúc tiến thương mại.
Trong đó, đối với chủ thể kinh doanh bao gồm nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp cần hiểu được nội dung của chương trình, xác định được ý tưởng sản phẩm khả thi và sản phẩm có thế mạnh để tham gia OCOP, xây dựng phương án kinh doanh có chất lượng tốt và triển khai phương án hiệu quả. Đồng thời chủ thể phải biết xây dựng hồ đăng ký sản phẩm tham gia thi OCOP đầy đủ theo quy định và đảm bảo số điểm được đánh giá cao nhất có thể khi được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đối với cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp huyện cần tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn sản phẩm, tổ chức đánh giá, phân hạng một cách khoa học, chính xác, khách quan để công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và trình hồ sơ đề xuất cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Đối với cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh cần đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, cũng như đề xuất cơ quan thường trực Chương trình OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao, đảm bảo các sản phẩm được công nhận hạng sao phải là những sản phẩm có chất lượng cao, có thế mạnh dựa trên các tiêu chí quy định. Đồng thời cơ quan quản lý chương trình OCOP cấp tỉnh thực hiện kết nối tiêu thụ sau khi đánh giá phân hạng để khai thông đầu ra cho sản phẩm OCOP đảm bảo chương trình phát triển bền vững.
Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, trực thuộc Bộ Nông Nghiệp và phát triển Nông thôn với đội ngũ giảng viên đông đảo có chất lượng gắn lý luận và thực tiễn, chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý doanh nghiệp, Hợp tác xã, cũng như có kinh nghiệm dày dạn trong tư vấn các chương trình của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung và OCOP nói riêng. Với mong muốn đáp ứng mọi yêu cầu của các cơ quan/ tổ chức và các địa phương trong việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Trường đã xây dựng chương trình tư vấn và đào tạo, tập huấn OCOP với nội dung cụ thể như sau:
- Chương trình Tư vấn OCOP
- Vận động nông hộ, HTX, Doanh nghiệp tham gia OCOP
- Hỗ trợ chọn ý tưởng sản phẩm và sản phẩm tham gia OCOP
- Hướng dẫn chủ thể viết câu chuyện sản phẩm OCOP
- Hướng dẫn chủ thể sản xuất kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
- Xây dựng và triển khai phương án kinh doanh cho chủ thể tham gia OCOP
- Tư vấn xây dựng và đăng ký nhãn hiệu và tem truy suất sản phẩm OCOP
- Tư vấn kiểm nghiệm chất lượng và xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP
- Tư vấn tiếp nhận hồ sơ, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện
- Tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh
- Tư vấn phát triển để thăng hạng sản phẩm khi đánh giá sản phẩm OCOP
- Tư vấn kết nối tiêu thụ sau khi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP
- Xây dựng cẩm nang OCOP
- Xây dựng Website chương trình OCOP của địa phương và chủ thể OCOP
- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng OCOP
Theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Quyết định số: 4464/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 06 tháng 11 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Bộ tài liệu tập huấn những kiến thức cơ bản về Chương trình mỗi xã một sản phẩm có cập nhật nội dung theo Quyết định 919/QĐ-TTg ngày 01.8.2022 của Thủ tướng chính phủ cho 3 nhóm đối tượng: Chủ thể tham gia chương trình OCOP; Cán bộ quản lý chương trình; Chủ thể tư vấn Chương trình OCOP.
Trên đây là chương trình tư vấn và đạo tạo, bồi dưỡng OCOP năm 2024, Trường rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo. Các đơn vị có nhu cầu tư vấn và đào tạo, bồi dưỡng chủ động liên hệ với Trường để phối hợp thực hiện đúng kế hoạch.
Trân trọng kính chào./.
Nội dung Chương trình Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng triển khai chương trình OCOP năm 2024 vui lòng tải file theo đường Link tại đây: 49_Tu van dao tao boi duong trien khai chuong trinh OCOP nam 2024